Hệ thống Keo dán Total-Etch & Self-Etch
Chắc hẳn bạn đã nghe rất nhiều 2 từ total-etch và self-etch. Từ những bài viết chuyên môn, cho tới những buổi hội thảo nha khoa...
Vậy, đâu là sự khác biệt giữa 2 kỹ thuật dán? Kỹ thuật dán nào bạn nên lựa chọn sử dụng?...
Hãy cùng SSP-Module I tìm hiểu về 2 kỹ thuật dán này!
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua về hoạt động cũng như tiến trình tương tác của keo dán với mô răng:
Keo dán là một hợp chất chứa cả những monomer ưa nước cho phép liên kết với cấu trúc răng và cả những monomer kỵ nước tạo ra liên kết với vật liệu phục hồi. Tất cả các keo dán có ba tiến trình chính để tạo ra một giao diện dán bền vững:
-
Etching - Làm mất khoáng bề mặt men/ngà bằng dung dịch acid, tạo điều kiện thuận lợi cho bonding
-
Priming - Làm ướt bề mặt mô răng bằng hỗn hợp giữa các monomer ưa nước và dung môi, cho phép thay thế nước chứa trong mô ngà bằng các monomer nhờ các sợi collagen đã bị bộc lộ
-
Bonding - Liên kết với vật liệu trám, bằng các mononer kỵ nước
Biết rằng việc dán vào mô răng dựa trên một tiến trình thay đổi các thành phần vô cơ của mô răng bằng nhựa tổng hợp. Tiến trình này có hai pha:
-
Pha đầu tiên là lấy đi calcium phosphates tạo ra bề mặt men/ngà bị lỗ rỗ
-
Pha tiếp theo, còn gọi là pha lai hoá, tức là thấm nhựa và đông cứng nhựa vào bề mặt lỗ rỗ. Tiến trình này tạo vi lưu cơ học giữa keo dán và cấu trúc răng
Tác nhân dán men và dán ngà trong thập kỷ qua đã tiến hoá vượt bật, tạo ra những liên kết cực tốt và bền hỗ trợ cho quan điểm điều trị ít xâm lấn cũng như dễ tiên lượng hơn những phục hồi cổ điển. Những hệ thống keo dán gần đây chủ yếu theo hai kỹ thuật total-etch và self-etch.
Và giữa 2 kỹ thuật Total-Etch và Self-Etch có các điểm khác nhau căn bản như sau:
1. Cách thức tương tác với cấu trúc răng
-
Hệ thống total-etch dùng acid phosphoric ăn mòn bề mặt mô cứng của răng, rồi rửa sạch acid, tiếp theo là bôi keo dán lên bề mặt mô đã xử lý bằng acid
-
Keo dán self-etch chứa những monomer có tính acid, ăn mòn mô răng và thấm keo vào sâu trong mô răng cùng lúc
-
Cả total-etch và self-etch đều tạo ra lớp lai (hybrid layer) như là kết quả của việc thấm resin vào trong bề mặt lỗ rỗ của men, ngà đã được ăn mòn bằng acid
Bên cạnh đó, ta biết rằng, trong hệ thống keo dán total-etch, những monomer ưa nước của primer được hòa tan trong dung môi dễ bay hơi như acetone và ethanol. Khi dung môi của primer được thổi nhẹ sẽ bay hơi hết để lại các monomer hoạt động của primer sẵn sàng liên kết với vật liệu trám.
Nhưng khi thổi khô có thể làm sụp mạng lưới collagen của ngà làm đóng kín các khoảng gian ngà, ngăn cản keo dán thấm sâu vào mô ngà. Do đó trong keo dán có chứa thành phần primer có nước (water-based primers) để cung cấp nước lần nữa nhằm nâng đỡ các sợi collagen bị sụp do mất nước vì thổi khô (áp dụng cho kỹ thuật dry-bonding).
Một cách khác, có thể giữ ẩm bề mặt mô đã etching bằng kỹ thuật wet-bonding. Wet-bonding được khuyến cáo dùng cho kỹ thuật total-etch với keo dán có dung môi acetone làm tăng lực dán, làm ít ê buốt sau điều trị. Nhưng đây là một kỹ thuật khó. Vì bề mặt ẩm tối ưu để lưu giữ nguyên vẹn các sợi collagen khỏi bị sụp, không gây tổn hại đến lực dán thì không xác định được.
2. Sự có mặt của etching truyền thống
-
Ở lâm sàng, kỹ thuật self-etch không yêu cầu bước etching. Điều này không chỉ làm giảm bước thực hiện trong qui trình mà còn làm cho kỹ thuật trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với khi dùng kỹ thuật total-etch.
-
Kỹ thuật total-etch là một kỹ thuật khó vì nếu thổi quá khô sẽ dẫn đến sụp hệ thống sợi collagen ngăn resin khuếch tán vào hệ thống sợi. Ngoài ra, nếu quá ẩm cũng gây ra tình trạng không trùng hợp hoàn toàn của các monomer cũng như tích tụ nước trong lớp lai.
3. Lực dán với mô răng
-
Một cách tổng quát có thể thấy rằng acid phosphoric tạo ra niềm tin và bề mặt lưu giữ trên men tốt hơn. Vì thế, total-etch thường được ưa thích gắn các phục hồi gián tiếp (mão, cầu, inlay, onlay, laminate) và khi phần lớn bề mặt men còn hiện diện.
-
Self-etch đã đưa việc dán resin vào mô răng lên một cấp độ mới vượt trội so với những quan điểm và phương pháp trước đây cả về mặt hiệu suất cũng như sự đơn giản. Đối với phục hồi trực tiếp bằng composite, nhất là mặt dán phần lớn là ngà, self-etch dường như là vật liệu nên chọn lựa.
Kết luận
-
Những bằng chứng khoa học khác nhau ngày nay cho thấy việc chọn hệ thống dán total-etch hay self-etch thường chỉ dựa vào sở thích.
-
Tuy nhiên, nói chung, phosphoric acid tạo ra một bề mặt men lưu giữ. Vì vậy, total-etch vẫn là hệ thống ưa thích cho phục hồi gián tiếp và khi diện tích men còn lại lớn.
-
Mặt khác, do tạo ra lực dán trên ngà mạnh mẽ và dễ tiên lượng hơn, nên self-etch được khuyến dùng cho các phục hồi trực tiếp, nhất là những phục hồi có diện tích mặt dán lên ngà lớn.
Bài viết được trích dẫn từ Thư viện mở SSP
Link bài viết gốc: http://ssp.yseminar.vn/index/docthuvienmo/id/27